Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tháng 12/2024 mực nước tại các trạm huyện phía Bắc của tỉnh tiếp tục xuống nhanh theo triều, kỳ nước cao nhất xuất hiện vào những ngày đầu tháng và cao hơn, thấp hơn cùng kỳ năm 2023. Các huyện phía Nam của tỉnh có ba đợt nước lên đầu, giữa tháng và cuối tháng, kỳ nước cao nhất xuất hiện vào những ngày giữa tháng, thấp nhất xuất hiện vào những ngày cuối tháng và cao hơn cùng kỳ năm 2023.
Đẩy nhanh tiến độ gieo sạ lúa vụ Đông xuân 2024 - 2025
Hiện nay, nước lũ rút chậm kết hợp với triều cường nên tiến độ gieo sạ lúa Đông xuân chậm. Vụ lúa Đông xuân 2024-2025, toàn tỉnh đã gieo sạ 155.426 ha/KH 224.700 ha, đạt 69,2% so với kế hoạch, bằng 97% so với cùng kỳ (cùng kỳ 160.646 ha, thấp hơn khoảng 5.220 ha so với tiến độ Đông xuân 2023-2024). Việc gieo sạ muộn vụ lúa Đông xuân 2024-2025 khả năng bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch hại. Để đảm bảo sản xuất lúa năm 2025 thắng lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị chuyên môn căn cứ tình hình ngập lũ và diễn biến dịch hại để tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xuống giống lúa vụ Đông xuân 2024-2025.
Trong đó, tập trung cho công tác tuyên truyền thực hiện Công điện 128/CĐ-TTg ngày 08/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; Công văn 1754/TT-CCN ngày 10/12/2024 của Cục Trồng trọt về việc chỉ đạo sản xuất trồng trọt trong điều kiện hạn, xâm nhập mặn vụ Đông Xuân 2024-2025 vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tiếp tục thực hiện Công văn 9788/UBND-KTTC ngày 25/9/2024 của UBND tỉnh về việc chỉ đạo sản xuất trồng trọt vụ Đông Xuân 2024-2025. Tùy điều kiện cụ thể của từng địa phương, theo dõi mật độ rầy nâu vào bẫy đèn để vận động nông dân gia cố bờ bao, bơm vợi phục vụ xuống giống đồng loạt cho từng tiểu vùng phù hợp khung lịch thời vụ của tỉnh.
Đối với các huyện vùng Đồng Tháp Mười cần tập trung vận động nông dân bơm vợi để đẩy nhanh tiến độ gieo sạ lúa vụ Đông xuân trong tháng 12/2024; hạn chế thấp nhất việc kéo dài gieo sạ sang tháng 01/2025 vì tiềm ẩn nguy cơ dịch hại rất cao. Đối với các huyện phía Nam căn cứ nguồn nước tưới khuyến cáo người dân đẩy nhanh tiến độ gieo sạ lúa vụ Đông xuân dứt điểm trong tháng 12; Các vùng không đủ nguồn nước tưới và có khả năng bị ảnh hưởng hạn, xâm nhập mặn khuyến cáo nông dân không gieo sạ lúa Đông xuân 2024-2025, chuyển sang các cây trồng ngắn ngày, cây trồng sử dụng ít nước tưới và áp dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước để đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước tưới cho cây trồng.
Đồng thời, thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, khí tượng, thủy văn, tình hình dự báo sinh vật gây hại để có giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả; kiểm tra hệ thống thủy lợi, củng cố, cải tạo thủy lợi nội đồng, đê bao, bờ bao, công tác chuẩn bị ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, tích trữ nước ngọt phục vụ chống hạn hán, xâm nhập mặn khi mùa khô đến. Tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ tình hình phát sinh gây hại các loài dịch hại chính, đặc biệt rầy nâu, săn năn, bệnh đạo ôn lá, cháy bìa lá,… có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả. Lưu ý hiện nay trên lúa Đông xuân 2024-2025 giai đoạn đẻ nhánh đòng trỗ có 265 ha diện tích nhiễm sâu năn với tỷ lệ từ 5-15% tập trung tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười, tuy nhiên qua điều tra khảo sát có xuất hiện ong ký sinh ấu trùng và nhộng, do đó cần chú ý hạn chế phun thuốc bảo vệ thực vật để tránh ảnh hưởng thiên địch ký sinh./.
TH