
Long An tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm
Trong đó, đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tăng cường công tác giám sát, dự báo, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, dại, sởi …., các ổ dịch tại cộng đồng và các cơ sở y tế; thực hiện cách ly, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch không để bùng phát dịch trong cộng đồng; gửi văn bản về Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các giải pháp quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo kịp thời, hiệu quả. Hướng dẫn các đơn vị xây dựng Kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết lần thứ 15 (ngày 15/6 hàng năm) thiết thực, hiệu quả. Tiếp tục triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng đảm bảo an toàn, hiệu quả; rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh, chưa tiêm đủ mũi; vận động các gia đình đưa trẻ em đi tiêm chủng vắc-xin đầy đủ, đúng lịch; đồng thời tăng cường, khuyến khích việc tiêm vắc-xin phòng bệnh đối với phụ nữ mang thai.
Tăng cường các hoạt động truyền thông giáo dục sức khoẻ phù hợp tới người dân về các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi, dại,…. triển khai tích cực các hoạt động vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân; phối hợp với ngành Giáo dục thực hiện tốt vệ sinh môi trường, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, thực hiện ăn sạch, ở sạch và giữ gìn đồ chơi cho trẻ trong cơ sở giáo dục; đảm bảo ăn uống hợp vệ sinh; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình, các báo địa phương phát sóng và đưa các thông điệp, khuyến cáo về phòng chống bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi, dại…Ngoài ra, cần chuẩn bị sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí… để phòng, chống bệnh hiệu quả. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát công tác phòng chống dịch tại các địa phương để kịp thời khắc phục những tình huống cụ thể trong công tác phòng chống dịch.
Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần đảm bảo tổ chức hiệu quả công tác thu dung, cách ly, điều trị tích cực, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp biến chứng nặng, tử vong do dịch bệnh truyền nhiễm; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng hộ cá nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn và dự phòng lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám, chữa bệnh; đảm bảo cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ về các biện pháp phòng, chống lây nhiễm cho bệnh nhân và người chăm sóc bệnh nhân. Chuẩn bị cơ sở, trang thiết bị, cơ số thuốc đầy đủ để sẵn sàng tiếp nhận thu dung và điều trị các bệnh dịch. Lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp nghi ngờ có yếu tố dịch tễ như sởi, cúm, tay chân miệng, sốt xuất huyết, dại……gửi ngay cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để gửi Viện Pasteur xét nghiệm nhằm chủ động trong công tác phòng chống dịch. Cập nhật, tập huấn lại cho cán bộ trực tiếp chăm sóc, điều trị bệnh các phác đồ điều trị bệnh truyền nhiễm như sởi, cúm, tay chân miệng, sốt xuất huyết …theo đúng quy định của Bộ Y tế. Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo ca bệnh trên phần mềm Thông tư 54/2015/TT-BYT đúng quy định trong vòng 24 giờ nhằm phát hiện sớm ca bệnh để kịp thời xác minh xử lý dịch.
Ngoài ra, Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn nhất là địa bàn có xảy ra ổ dịch kéo dài, sẵn sàng tổ chức phun dập dịch diện rộng nếu xử lý ổ dịch không hiệu quả. Tổ chức triển khai thực hiện đạt hiệu quả Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn tỉnh Long An năm 2025 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1295/QĐ-UBND ngày 12/02/2025, đồng thời tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết lần thứ 15 (ngày 15/6 hàng năm) bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả như: Tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt trừ lăng quăng, bọ gậy trong khuôn viên cơ quan, đơn vị hàng tuần, loại bỏ những vật chứa không cần thiết để tránh muỗi đẻ trứng... Phối hợp với ngành giáo dục triển khai các biện pháp phòng chống dịch nhất là lưu ý các cơ sở giữ trẻ tư nhân trên địa bàn; thực hiện việc kiểm soát lịch tiêm chủng của trẻ, đảm bảo trẻ được cập nhật đầy đủ lịch sử tiêm chủng trong sổ theo dõi sức khỏe trẻ mẫu giáo; động viên phụ huynh đưa trẻ đến cơ sở y tế tiêm chủng đầy đủ các bệnh trong chương trình tiêm chủng quốc gia để phòng bệnh chủ động cho trẻ. Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông về biện pháp phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm như sởi, cúm, sốt xuất huyết, tay chân miệng, …; tăng cường truyền thông về hiệu quả vắc xin và vận động người dân tiêm ngừa vắc xin phòng bệnh./.
TH