Long An kỷ niệm 156 năm ngày hy sinh của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực
Ngày 13/10/2024, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tân Trụ long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 156 năm ngày hy sinh của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tại khu Di tích Lịch sử Vàm Nhựt Tảo.
Đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm 156 năm ngày hy sinh của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực
Tham dự buổi Lễ có các đồng chí: nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình; Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm; nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ cùng đại diện lãnh đạo tỉnh Kiên Giang; lãnh đạo Sở, ngành tỉnh, địa phương và đông đảo người dân.
Biểu diễn nghệ thuật tại buổi Lễ kỷ niệm
Đây là dịp thể hiện lòng thành kính và tri ân những công lao, đóng góp to lớn của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực trong lịch sử đấu tranh giữ nước; đồng thời, tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân; tạo động lực cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, thi đua thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp trong tỉnh; đồng thời, tạo điều kiện cho khách thập phương đến viếng, tham quan Khu Di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo.
Hơn 200.000 người tham gia Lễ kỷ niệm ngày hy sinh của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực
Anh hùng Nguyễn Trung Trực tên thật là Nguyễn Văn Lịch, sinh năm 1838 tại xóm Nghề, thôn Bình Nhựt, tổng Cửu Cư Hạ, huyện Cửu An, nay thuộc xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Ông là người thâm trầm, nghiêm nghị, can đảm và rất giỏi võ nghệ. Khi thực dân Pháp chiếm các tỉnh Nam kỳ, ông là một trong những người đầu tiên ở Nam bộ phất cờ khởi nghĩa, tụ họp nghĩa quân kháng Pháp vào nửa cuối thế kỷ XIX. Vào cuối năm 1861 để phá thế kiểm soát của thực dân Pháp, Nguyễn Trung Trực được sự giúp đỡ của Nhân dân và hương chức làng Nhựt Tảo, đã xây dựng kế hoạch táo bạo, thần tốc để đốt tàu Ết-pê-răn (L'Esprance) đang hoạt động tại khu vực Vàm Nhựt Tảo.
Đại biểu dâng hương tưởng niệm Anh hùng Nguyễn Trung Trực
Sau trận đánh, Nguyễn Trung Trực tiếp tục lãnh đạo nghĩa quân chống Pháp, lập nên nhiều chiến công vang dội. Trong đó, điển hình là trận đánh đầu tiên nghĩa quân chiếm được trung tâm đầu não địch trong 5 ngày ở Kiên Giang, rồi rút ra Phú Quốc lập căn cứ chống Pháp lâu dài. Ngày 27/10/1868 (nhằm ngày 12/9 năm Mậu Thìn), thực dân Pháp xử chém ông tại Rạch Giá. Trước lúc hy sinh, Nguyễn Trung Trực đã thể hiện khí tiết của mình bằng câu nói bất hủ: "Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây".
Từ nhiều năm qua, Lễ giỗ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực đã trở thành một hoạt động văn hóa tinh thần quan trọng đối với người dân Long An nói riêng và cả miền Nam nói chung; Lễ kỷ niệm diễn ra từ ngày 11 đến 12/9 Âm lịch tại Khu Di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo, xã Tân Bình, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An với nhiều chương trình nghệ thuật, tiệc chay phục vụ Nhân dân./.
Tiểu Lam