image banner
Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Long An đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030
Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Long An đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt tại quyết định số 1390/QĐ-UBND ngày 23/4/2013, với những nội dung chủ yếu sau:

1. Tên quy hoạch: Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Long An đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

2. Chủ đầu tư: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

3. Đơn vị thực hiện: Viện Du lịch Bền vững Việt Nam.

4. Quan điểm phát triển

- Phát triển du lịch Long An nhanh, tương xứng với tiềm năng, nguồn lực phát triển du lịch của tỉnh;

- Phát triển du lịch phải gắn với việc bảo đảm an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội;

- Phát triển du lịch trong sự phát triển kinh tế - xã hội ổn định và bền vững;

- Phát triển du lịch dựa trên sự phát huy nội lực, sức mạnh tổng hợp của các ngành, các thành phần kinh tế, tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài để ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất cho ngành du lịch nhằm phát huy các tiềm năng, lợi thế  của tỉnh;

- Phát triển du lịch có trọng tâm trọng điểm, chú trọng hiệu quả gắn với xây dựng thương hiệu, nâng cao tính chuyên nghiệp và năng lực cạnh tranh của du lịch Long An;

- Phát triển du lịch gắn với gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc;

- Phát triển du lịch Long An phải đặt trong mối quan hệ với sự phát triển du lịch các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là mối quan hệ với thành phố Hồ Chí Minh nhằm tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù hấp dẫn khách du lịch.

5. Mục tiêu phát triển

a) Mục tiêu chung:

Phấn đấu đến năm 2020, du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế quan trọng của Long An và Long An trở thành điểm đến du lịch vệ tinh hàng đầu của thành phố Hồ Chí Minh ở vùng du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long với hình ảnh đặc trưng là sông Vàm Cỏ trên nền cảnh quan sinh thái Đồng Tháp Mười và thiên đường vui chơi giải trí.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Đến năm 2015: đón 12 ngàn lượt khách quốc tế; 540 ngàn lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ du lịch đạt khoảng 34 triệu USD; tỷ lệ đóng góp du lịch trong tổng GDP của tỉnh đạt 5,29%; tạo việc làm cho gần 7.000 lao động;

- Đến năm 2020: đón 45 ngàn lượt khách quốc tế; 1,0 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ du lịch đạt 100 triệu USD; tỷ lệ đóng góp du lịch trong tổng GDP của tỉnh đạt 8,23%; tạo việc làm cho trên 15.000 lao động;

- Đến năm 2030: đón 180 ngàn lượt khách quốc tế; 2,0 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ du lịch đạt gần 300 triệu USD; tỷ lệ đóng góp du lịch trong tổng GDP của tỉnh đạt 7,43%; tạo việc làm cho gần 40.000 lao động.

6. Các định hướng phát triển chủ yếu

a) Định hướng phát triển thị trường:

- Thị trường nước ngoài gồm: thị trường các nước khu vực ASEAN, Tây Âu, Úc, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

- Thị trường trong nước gồm: thị trường khách du lịch từ thành phố Hồ Chí Minh và khách quá cảnh từ thành phố Hồ Chí Minh đến Đồng bằng Sông Cửu Long.

b) Định hướng phát triển sản phẩm du lịch:

- Các sản phẩm du lịch đặc thù:

+ Du lịch đường thủy sông Vàm Cỏ với trọng tâm là sông Vàm Cỏ Đông.

+ Du lịch sinh thái điển hình vùng Đồng Tháp Mười với trọng tâm là du lịch Láng Sen.

+ Du lịch vui chơi giải trí với trọng tâm là khu du lịch “Happy Land”.

- Các sản phẩm du lịch chính:

+ Du lịch cuối tuần (khu du lịch Phước Lộc Thọ, sân golf, Lâm viên Thanh niên, v.v...).

+ Du lịch tham quan các di tích lịch sử văn hóa, lịch sử cách mạng.

+ Du lịch nông thôn (trang trại, làng nghề).

- Các sản phẩm du lịch bổ trợ:

+ Du lịch quá cảnh với trọng tâm du lịch qua cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp.

+ Du lịch tham quan mùa nước nổi với trọng tâm vùng trũng Đồng Tháp Mười.

+ Du lịch tham quan nghiên cứu với trọng tâm là di tích khảo cổ Bình Tả.

c) Tổ chức không gian lãnh thổ du lịch:

* Các không gian phát triển du lịch chính:

-  Không gian du lịch TP. Tân An và phụ cận -  thị trấn Cần Đước với trung tâm du lịch là TP. Tân An.

Tập trung phát triển các loại hình/sản phẩm du lịch chủ yếu bao gồm: Du lịch vui chơi giải trí gắn với tham quan cảnh quan sông Vàm Cỏ Đông; Du lịch tham quan các di tích lịch sử văn hóa;Du lịch tham quan làng nghề; Du lịch tham quan nghiên cứu hệ sinh thái rừng ngập mặn; Du lịch tham quan trang trại - miệt vườn.

- Không gian du lịch Mộc Hóa - Tân Hưng với trung tâm du lịch là thị trấn Mộc Hóa:

Tập trung phát triển các loại hình/sản phẩm du lịch chủ yếu bao gồm: Du lịch sinh thái và tham quan cảnh quan hệ sinh thái đất ngập nước Đồng Tháp Mười; Du lịch quá cảnh qua cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp; Du lịch tham quan các di tích lịch sử văn hóa; Du lịch tham quan cảnh quan sông Vàm Cỏ Tây.

- Không gian du lịch Đức Hòa - Đức Huệ với trung tâm du lịch là thị trấn Đức Hòa:

Tập trung phát triển các loại hình/sản phẩm du lịch chủ yếu bao gồm: Du lịch tham quan các di tích lịch sử cách mạng, di tích văn hóa; Du lịch tham quan cảnh quan sông Vàm Cỏ Đông; Du lịch vui chơi giải trí cuối tuần; Du lịch tham quan nghiên cứu di tích khảo cổ.

* Các địa bàn trọng điểm du lịch đóng vai trò động lực phát triển du lịch:

- Thành phố Tân An - thị trấn Bến Lức.

- Khu vực Tân Lập - cửa khẩu Bình Hiệp.

- Khu vực khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen.

- Khu vực thị trấn Đức Hòa và phụ cận.

* Các điểm du lịch chính:

- Các điểm du lịch có ý nghĩa quốc gia và quốc tế: Tổ hợp vui chơi giải trí du lịch ”Happy Land”; Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen; Khu sinh thái Làng nổi Tân Lập; Khu di tích lịch sử Cách mạng Long An; Khu phế tích kiến trúc khảo cổ Bình Tả; Khu thương mại du lịch cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp.

- Các điểm du lịch có ý nghĩa vùng và địa phương: Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Đồng Tháp Mười;Lăng mộ và đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức; Bảo tàng Long An; Chùa Nổi (Cổ Sơn Tự); Đình Vĩnh Phong; Chùa Tôn Thạnh; Chùa Linh Sơn; Khu di tích Vàm Nhựt Tảo; Khu di tích Căn cứ xứ ủy và Ủy ban hành chính kháng chiến Nam Bộ; Nhà Trăm Cột; Đồn Rạch Cát; Khu di tích Ngã tư Đức Hòa; Khu vui chơi giải trí Hồ Khánh Hậu; Núi Đất - Mộc Hóa.

* Các tuyến du lịch chính:

-  Tuyến du lịch nội tỉnh:

+ Tuyến TP. Tân An - Mộc Hóa - Láng Sen;

+ Tuyến TP. Tân An - Đức Hòa - Đức Huệ;

+ Tuyến TP.Tân An - Cần Đước - Cần Giuộc;

+ Tuyến du lịch đường sông: dọc theo sông Vàm Cỏ Đông (đoạn từ Đức Hòa - Hiệp Hòa và từ Bến Lức - Tân Trụ) và Vàm Cỏ Tây (đoạn từ Tân Lập - Mộc Hóa - chùa Nổi).

- Tuyến du lịch liên tỉnh:

+ Tuyến TP. Tân An - TP. Hồ Chí Minh;

+ Tuyến TP. Tân An - Cần Thơ - các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long;

+ Tuyến TP. Tân An - Tây Ninh.

- Các tuyến du lịch quốc tế qua cửa khẩu Bình Hiệp: đây là tuyến du lịch quan trọng nhằm không chỉ đưa khách du lịch Việt Nam đi du lịch Campuchia và qua đó đến các nước ASEAN bằng đường bộ mà ngược lại thu hút khách du lịch quốc tế, trước hết là khách du lịch Campuchia, Thái Lan, ASEAN đến với Long An và Việt Nam.

d) Định hướng phát triển hệ thống các công trình cơ sở vật chất du lịch:

- Phát triển hệ thống lưu trú đạt tiêu chuẩn từ 1-2 sao trên các địa bàn trọng điểm du lịch gắn với các trung tâm du lịch. Các khách sạn trung và cao cấp từ 3 đến 5 sao chủ yếu tập trung gắn với các khu vui chơi giải trí cao cấp “Happy Land” (Bến Lức), khu du lịch Phước Lộc Thọ và sân golf Đức Hòa.

- Phát triển hệ thống các cơ sở vật chất phục vụ du lịch MICE như trung tâm hội nghị, hội thảo, triển lãm, ... tại khu vực thành phố Tân An và khu du lịch “Happy Land” (Bến Lức).

- Phát triển hệ thống cơ sở vui chơi giải trí - thể thao tại các khu vực đô thị lớn như thành phố Tân An, thị trấn Đức Hòa.

- Phát triển hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị, hệ thống cửa hàng, khu chợ đêm và khu ẩm thực tại khu vực thành phố Tân An, thị trấn Bến Lức, Mộc Hóa dọc quốc lộ 1A, quốc lộ 62, ... phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch.

đ) Định hướng đầu tư du lịch:

- Lĩnh vực ưu tiên đầu tư:

+ Đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, đặc biệt là giao thông phục vụ phát triển du lịch.

+ Đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù.

+ Đầu tư phát triển hệ thống cơ sở lưu trú, các cơ sở vui chơi giải trí, thể thao và mua sắm phục vụ du lịch.

+ Đầu tư tu bổ, tôn tạo và bảo vệ các di tích văn hóa - lịch sử và phát triển các làng nghề truyền thống phục vụ du lịch.

+ Đầu tư đào tạo nguồn nhân lực, tuyên truyền quảng bá và xúc tiến du lịch.

- Các nguồn vốn đầu tư:

+ Vốn ngân sách Nhà nước dành cho đầu tư các hệ thống hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, các dự án tu bổ tôn tạo di tích, tuyên truyền quảng bá chung...

+ Nguồn vốn ngoài ngân sách (vốn tích luỹ của các doanh nghiệp du lịch, vốn vay ngân hàng, vốn đầu tư tư nhân, vốn đầu tư FDI, ODA) là nguồn vốn chính đầu tư phát triển du lịch Long An.

7. Một số giải pháp chủ yếu

a) Giải pháp về tăng cường công tác quản lý quy hoạch:

Rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các quy hoạch du lịch chi tiết, các dự án du lịch đã được phê duyệt; tiếp tục xây dựng quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch đã được lựa chọn, xác định và cắm mốc chỉ giới phạm vi sử dụng đất, quản lý và thực hiện có hiệu quả việc đầu tư theo quy hoạch.

Các sở, ban, ngành chức năng khi xây dựng quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực cần tính đến các yếu tố hỗ trợ phát triển du lịch. UBND các huyện và thành phố Tân An trên cơ sở quy hoạch này xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch trên địa bàn.

b) Giải pháp về đầu tư phát triển du lịch:

Tập trung vốn ngân sách đầu tư đồng bộ có trọng tâm, trọng điểm để kích thích xã hội hoá đầu tư du lịch. Trước mắt ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng tại các khu, điểm du lịch trọng điểm du lịch của tỉnh.

Thực hiện xã hội hoá đầu tư phát triển du lịch, tạo các điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, dịch vụ hỗ trợ đầu tư để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch. Mở rộng các hình thức thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước như hình thức BT, BOT, BTO,...

c) Giải pháp về chính sách phát triển du lịch:

Trên cơ sở các quy định pháp luật hiện hành, đặc biệt đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng nghiên cứu hoàn thiện và áp dụng hệ thống các cơ chế chính sách đặc thù trong các lĩnh vực về thuế, về đầu tư, về đào tạo nhân lực, thị trường,...nhằm tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích mọi thành phần kinh tế có thể tham gia đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Long An

d) Giải pháp về xúc tiến, tuyên truyền quảng bá:

Tăng cường công tác xúc tiến, tuyên truyền quảng bá. Xây dựng thương hiệu và hình ảnh du lịch Long An theo chủ đề: Du lịch sông nước Vàm Cỏ và Thiên đường giải trí. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức du lịch trong cộng đồng dân cư. Triển khai thực hiện đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền quảng bá, các kênh quảng bá đến các thị trường du lịch trong và ngoài nước, trước mắt là thị trường thành phố Hồ Chí Minh. Lồng ghép hoạt động tuyên truyền quảng bá du lịch với các sự kiện văn hoá, thể thao lớn của tỉnh. Xây dựng hệ thống các trung tâm hướng dẫn và cung cấp thông tin về du lịch tỉnh ở những đầu mối giao thông quan trọng, ở các trọng điểm du lịch. Nâng cao năng lực và tính chuyên nghiệp của Trung tâm xúc tiến du lịch Long An. Đặt văn phòng đại diện tại các thị trường trọng điểm trong và ngoài nước.

đ) Giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực:

Rà soát và bồi dưỡng đào tạo lại nguồn nhân lực hiện có, thực hiện chính sách thu hút nhân tài trong lĩnh vực du lịch. Từng bước áp dụng tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam. Khuyến khích các doanh nghiệp du lịch tham gia các chương trình đào tạo bồi dưỡng nhân lực. Tư vấn, hướng dẫn, bồi dưỡng cộng đồng dân cư nghiệp vụ làm du lịch. Xây dựng và thu hút đầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo du lịch hoặc có ngành nghề du lịch. Hướng đến lồng ghép bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch trong các chương trình giáo dục phổ thông của tỉnh. Trước mắt ưu tiên tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng hình thành đội ngũ hướng dẫn viên tại các điểm di tích lịch sử, văn hoá và cách mạng trọng điểm.

e) Giải pháp về liên kết, hợp tác về du lịch:

Mở rộng, tăng cường hợp tác liên kết phát triển du lịch với các địa phương trên cả nước, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trong phát triển du lịch Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) và với thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để phát triển du lịch trên tuyến du lịch xuyên Á quathành phố Hồ Chí Minh. Tăng cường hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi để các tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia đầu tư phát triển du lịch Long An, trước mắt là các đối tác đã và đang đầu tư vào khu du lịch quốc gia “Happy Land” trên địa bàn tỉnh Long An.Thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp du lịch để cùng doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động kinh doanh với việc thực hiện tốt các quy định pháp luật hiện hành trong lĩnh vực du lịch.

g) Giải pháp về bảo vệ môi trường:

Phối hợp chặt chẽ giữa công tác bảo vệ môi trường chung của tỉnh với môi trường du lịch. Cụ thể hoá Luật du lịch, Luật bảo vệ môi trường và quy chế bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch. Có nội quy công khai và phương tiện bảo vệ môi trường từng điểm đến. Tăng cường nhận thức về bảo vệ môi trường tới cộng đồng dân cư. Kiện toàn và tổ chức bộ máy quản lý môi trường du lịch từ tỉnh đến cơ sở. Có cơ chế khuyến khích áp dụng công nghệ khoa học kỹ thuật vào bảo vệ môi trường. Tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế trong việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ bảo vệ môi trường chung cũng như môi trường du lịch nói riêng của tỉnh.​

image advertisement
Thông tin tuyên truyền
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
ĐỒNG HÀNH CÙNG DOANH NGHIỆP
CÁC DỰ THẢO VĂN BẢN ĐANG LẤY Ý KIẾN ĐÓNG GÓP
STTSỐ HIỆUTrích yếu dự thảoXem toàn vănTập tin
1
Ngày bắt đầu: 14/05/2024
Ngày kết thúc: 15/06/2024
Lượt xem:45
2
Ngày bắt đầu: 09/05/2024
Ngày kết thúc: 10/06/2024
Lượt xem:226
3
Ngày bắt đầu: 08/05/2024
Ngày kết thúc: 09/06/2024
Lượt xem:99
4
Ngày bắt đầu: 07/05/2024
Ngày kết thúc: 08/06/2024
Lượt xem:89
5
Ngày bắt đầu: 03/05/2024
Ngày kết thúc: 04/06/2024
Lượt xem:74
6
Ngày bắt đầu: 27/04/2024
Ngày kết thúc: 28/05/2024
Lượt xem:97
7
Ngày bắt đầu: 22/04/2024
Ngày kết thúc: 22/05/2024
Lượt xem:118
CÁC DỰ THẢO VĂN BẢN ĐÃ HẾT HẠN LẤY Ý KIẾN ĐÓNG GÓP
STTSỐ HIỆUTRÍCH YẾU DỰ THẢOXem toàn vănTập tin
1
Ngày bắt đầu: 16/04/2024
Ngày kết thúc: 16/05/2024
Lượt xem:154
2
Ngày bắt đầu: 29/03/2024
Ngày kết thúc: 30/04/2024
Lượt xem:230
3
Ngày bắt đầu: 26/03/2024
Ngày kết thúc: 26/04/2024
Lượt xem:183
4
Ngày bắt đầu: 22/03/2024
Ngày kết thúc: 22/04/2024
Lượt xem:182
5
Ngày bắt đầu: 18/03/2024
Ngày kết thúc: 19/04/2024
Lượt xem:159
6
Ngày bắt đầu: 08/04/2024
Ngày kết thúc: 16/04/2024
Lượt xem:131
7
Ngày bắt đầu: 03/04/2024
Ngày kết thúc: 15/04/2024
Lượt xem:131
8.
Ngày bắt đầu: 15/03/2024
Ngày kết thúc: 13/04/2024
Lượt xem:175
9.
Ngày bắt đầu: 04/03/2024
Ngày kết thúc: 03/04/2024
Lượt xem:161
10.
Ngày bắt đầu: 24/01/2024
Ngày kết thúc: 27/02/2024
Lượt xem:136
12345678910...
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH LONG AN

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Long An.
Đơn vị quản lý: Văn phòng UBND tỉnh.
Chịu trách nhiệm chính: Chánh Văn phòng UBND tỉnh - Võ Thành Trí
Địa chỉ: 61 Nguyễn Huệ, Phường 1, Thành phố Tân An, Long An.
Email: webmaster@longan.gov.vn – ĐT: 02723. 552.489.
Giấy phép số: 01/GP.TTĐT-STTTT ngày 03/3/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông.
image banner