Đoàn ĐBQH tỉnh lấy ý kiến đóng góp dự án Luật Công nghiệp công nghệ số và Luật Dữ liệu
Chiều ngày 09/10/2024, Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức lấy ý kiến đối với 02 dự án Luật: Luật Công nghiệp công nghệ số và Luật Dữ liệu. Đây là 02 dự án mang tính chuyên ngành, chuyên môn cao dự kiến sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới. Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Long An - Lê Thị Song An chủ trì Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến việc hoàn thiện, xây dựng thể chế để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT), công nghiệp công nghệ số trong nước. Tuy nhiên, các quy định pháp luật về công nghiệp CNTT đã được ban hành hơn 17 năm, nhiều quy định chưa điều chỉnh được những vấn đề phát sinh trong thực tiễn phát triển ngành CNTT như: chưa có khung pháp lý định hình khái niệm công nghệ số, công nghiệp công nghệ số; còn khoảng trống về phát triển dữ liệu số....Vì vậy, việc xây dựng dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, để thúc đẩy ngành này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần vào chuyển đổi số, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; khai thác hiệu quả, làm chủ các công nghệ chủ chốt của cách mạng 4.0…
Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số gồm 08 Chương, 73 Điều, gồm một số nội mới, trọng tâm như: phạm vi điều chỉnh quy định về công nghiệp công nghệ số; phát triển ngành công nghiệp công nghệ số; phát triển hạ tầng cho công nghiệp công nghệ số dự thảo luật khuyến khích huy động nguồn lực đầu tư của xã hội kết hợp với nguồn lực đầu tư nhà nước để xây dựng, phát triển các hạ tầng công nghiệp công nghệ số như: hệ thống thông tin về công nghiệp công nghệ số Quốc gia; trung tâm xử lý và lưu trữ dữ liệu; trung tâm/viện nghiên cứu phát triển; khu công nghệ số đảm bảo hiện đại, đồng bộ phù hợp với quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, vùng, địa phương; công nghiệp Bán dẫn, dự thảo Luật đưa ra các quy định về nguyên tắc, phân loại hoạt động, cơ chế, chính sách đặc thù, ưu tiên hơn cho phát triển công nghiệp bán dẫn; trí tuệ nhân tạo;…
Đại biểu tham gia ý kiến tại Hội nghị
Đối với dự thảo Luật Dữ liệu, hiện tại vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: nhiều cơ sở dữ liệu được thu thập, lưu trữ trùng lặp, chồng chéo, chưa được chuẩn hóa, khó khăn khi kết nối, chia sẻ, khai thác dùng chung; các trung tâm dữ liệu đầu tư thiếu đồng bộ; hệ thống thông tin còn lỗ hổng bảo mật….
Do đó, việc xây dựng Dự thảo Luật Dữ liệu là rất cần thiết theo yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới hiện nay và cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã nêu tại các Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018, Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Dự thảo Luật gồm 07 chương, 67 điều quy định về xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị dữ liệu; ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu; cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; trung tâm dữ liệu quốc gia; sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu; quản lý nhà nước về dữ liệu; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động về dữ liệu; áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến các hoạt động về dữ liệu.
Tại hội nghị, các đại biểu tham gia góp ý kiến, đề nghị cần định nghĩa rõ hơn đối với một số khái niệm liên quan đến công nghiệp công nghệ số, công nghệ mới, chất lượng dữ liệu; đề nghị bổ sung vào Luật dữ liệu một Điều quy định về giá trị của dữ liệu trong đời sống thực; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tận dụng, phát triển công nghệ số; cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt đối với các dự án, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số có tính chất đặc biệt, quy mô lớn;…
Các ý kiến đóng góp được Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp thu, ghi nhận, tổng hợp, sẽ chuyển cơ quan soạn thảo xem xét, trình tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, dự kiến khai mạc vào ngày 21/10/2024./.
Anh Tuấn