Nâng cao kỹ năng nhận diện, phòng tránh và xử lý lừa đảo trực tuyến trong thời đại số
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam hiện có hơn 70 triệu người sử dụng Internet trong tổng số hơn 100 triệu dân, với mật độ sử dụng mạng xã hội và các dịch vụ trực tuyến cao hàng đầu khu vực. Đây là cơ hội để triển khai chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển công nghệ là sự bùng phát mạnh mẽ của các hình thức lừa đảo trực tuyến.
Những năm gần đây, hàng loạt vụ việc người dân bị lừa mất hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng thông qua mạng xã hội, email giả mạo, ứng dụng độc hại, website lừa đảo... đã liên tục được ghi nhận tại nhiều địa phương. Điều đáng lo ngại là các đối tượng ngày càng tinh vi, sử dụng công nghệ cao để qua mặt cả những người có hiểu biết. Mục tiêu cuối cùng luôn hướng đến việc chiếm đoạt tài sản thông qua thủ đoạn giả danh, đánh vào tâm lý sợ hãi, nhẹ dạ, lòng tham hoặc sự thiếu cảnh giác.
Các hình thức lừa đảo phổ biến hiện nay
Tài liệu hướng dẫn “Kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến” do Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) phát hành đã tổng hợp nhiều phương thức và kịch bản lừa đảo phổ biến:
Giả mạo cơ quan nhà nước, công an, tòa án… gọi điện yêu cầu phối hợp điều tra, chuyển tiền phục vụ kiểm tra tài chính.
Lừa đảo trúng thưởng, việc làm, đầu tư sinh lời cao, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc chuyển tiền đặt cọc.
Tấn công bằng mã độc thông qua ứng dụng giả mạo, file đính kèm trong email, hoặc liên kết chứa mã độc.
Giả danh người thân qua mạng xã hội, dùng ảnh, video giả (deepfake) nhờ chuyển tiền gấp.
Tấn công tài khoản ngân hàng, ví điện tử thông qua các kỹ thuật phishing (giả mạo), smishing (tin nhắn lừa đảo), vishing (cuộc gọi lừa đảo)...
Đặc biệt, các đối tượng còn tận dụng các nền tảng OTT như Zalo, Telegram, Viber, WhatsApp…, dụ dỗ nạn nhân rời khỏi các nền tảng có kiểm duyệt để dễ bề thao túng tâm lý và thực hiện hành vi lừa đảo.
Trang bị 5 nhóm kỹ năng cốt lõi để tự bảo vệ trên không gian mạng
Nhằm giúp người dân chủ động phòng tránh, ứng phó và bảo vệ mình trước các chiêu trò lừa đảo, Cục An toàn thông tin đã đưa ra 5 nhóm kỹ năng thiết yếu, bao gồm:
1. Kỹ năng nhận biết
Là bước đầu tiên và quan trọng để người dân kịp thời phát hiện nguy cơ. Người dùng cần nắm được cách tiếp cận, phương thức lừa đảo và kịch bản thường gặp như:
Giả danh tổ chức, công ty, ngân hàng uy tín để yêu cầu cung cấp thông tin.
Tạo cảm giác khẩn cấp: dọa khóa tài khoản, truy tố hình sự nếu không phản hồi ngay.
Hứa hẹn phần thưởng giá trị, cơ hội việc làm “việc nhẹ lương cao” để đánh vào lòng tham.
Dẫn dụ truy cập vào các trang web có giao diện giống thật nhưng là giả mạo.
2. Kỹ năng phát hiện
Giúp người dùng nhận diện các dấu hiệu lừa đảo qua các kênh: cuộc gọi, email, mạng xã hội, website, ứng dụng… Ví dụ:
Email có lỗi chính tả, địa chỉ không rõ nguồn, liên kết lạ.
Website thiếu chứng chỉ SSL, URL sai chính tả, thiết kế kém.
Ứng dụng yêu cầu cài đặt từ nguồn không chính thức, đòi quyền truy cập bất hợp lý.
Người lạ kết bạn, gợi chuyện bất thường, dụ dỗ tham gia nhóm kín, đầu tư…
3. Kỹ năng xử lý
Khi nghi ngờ hoặc đã rơi vào bẫy lừa đảo, người dân cần:
Chặn liên lạc, không tiếp tục đối thoại.
Báo cho ngân hàng hoặc cơ quan công an, đồng thời lưu giữ bằng chứng: tin nhắn, cuộc gọi, lịch sử chuyển tiền.
Gửi cảnh báo lên trang canhbao.khonggianmang.vn để được hỗ trợ và giúp người khác phòng tránh.
Thay đổi mật khẩu, bật xác thực hai bước, quét virus, khôi phục hệ thống nếu có dấu hiệu bị chiếm quyền thiết bị.
4. Kỹ năng phòng tránh
Phòng hơn chống – đó là nguyên tắc quan trọng. Người dùng cần:
Không tiết lộ thông tin cá nhân lên mạng xã hội.
Cảnh giác với người lạ trên Zalo, Facebook, Telegram...
Kiểm tra kỹ email, website trước khi nhập bất kỳ thông tin nào.
Không chuyển tiền đặt cọc, không bấm vào liên kết không xác minh.
5. Kỹ năng bảo vệ lâu dài
Ghi nhớ “3 nguyên tắc vàng”: Chậm lại – Kiểm tra kỹ – Dừng lại không gửi.
Tuân thủ “6 KHÔNG”: không cung cấp thông tin – không kết bạn lạ – không mở file/đường dẫn không rõ – không tin người tự xưng công an qua điện thoại – không chuyển tiền trước – không tham lam lợi ích bất thường.
Cần sự chung tay của cả cộng đồng
Lừa đảo trực tuyến là tội phạm công nghệ cao, khó kiểm soát và dễ lan rộng. Do đó, việc chủ động nhận diện và cảnh báo là vô cùng cần thiết.
Bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan như Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng, các doanh nghiệp công nghệ… thì người dân, đặc biệt là cán bộ, công chức, giáo viên, học sinh, sinh viên, người cao tuổi… cần tích cực tham gia tuyên truyền, chia sẻ kiến thức phòng chống lừa đảo đến cộng đồng.
Các địa phương cần tăng cường truyền thông tại cơ sở, lồng ghép tuyên truyền trong các hội nghị, cuộc họp tổ dân phố, bản tin thôn ấp, trường học, cơ quan, đoàn thể... Bên cạnh đó, phát huy vai trò của các kênh chính thống như Cổng thông tin điện tử địa phương, fanpage Facebook chính thức,... để lan tỏa thông điệp cảnh giác và hành động đúng cách./.
TL