Thống kê từ Báo cáo Kỹ thuật số Việt Nam năm 2023 cho thấy, có đến 77,9 triệu người Việt đang sử dụng internet – chiếm hơn 79% dân số – và gần 1/3 trong số đó là trẻ em dưới 18 tuổi. Trong khi đó, nội dung xấu độc, bạo lực, khiêu dâm, trào lưu lệch lạc, thông tin giả mạo vẫn len lỏi hàng ngày trên Facebook, YouTube, TikTok, các ứng dụng trò chuyện hay trò chơi trực tuyến.
Trẻ em, với tâm sinh lý chưa ổn định, dễ bị dụ dỗ, dễ tin tưởng, thường trở thành mục tiêu của những hành vi bắt nạt, xâm hại, lừa đảo hoặc lệch lạc về hành vi do ảnh hưởng từ những nội dung tiêu cực. Việc trẻ bắt chước theo các trào lưu nguy hiểm, bị bắt nạt qua mạng, bị dụ dỗ gửi ảnh nhạy cảm hoặc bị nghiện internet dẫn đến trầm cảm, suy giảm sức khỏe học đường, thậm chí tử vong... không còn là chuyện hiếm.
Trước thực trạng đáng báo động, Việt Nam đã sớm xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý nhằm tăng cường bảo vệ trẻ em khỏi những nguy cơ trên không gian mạng. Các đạo luật then chốt như: Luật Trẻ em 2016, Luật An ninh mạng 2018, Luật Công nghệ thông tin 2006, Luật Báo chí 2016... đã quy định chi tiết trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong việc bảo vệ trẻ em.
Nổi bật là Điều 54 Luật Trẻ em quy định: “Trẻ em có quyền được bảo vệ khi tham gia môi trường mạng, bao gồm quyền được bảo mật thông tin cá nhân, được hướng dẫn kỹ năng sử dụng mạng an toàn, được tiếp cận nội dung lành mạnh và được bảo vệ khỏi các hành vi xâm hại qua mạng”. Luật cũng nghiêm cấm việc khai thác, thu thập, lưu trữ, chia sẻ thông tin đời tư của trẻ em khi chưa được phép.
Chính phủ đã ban hành Nghị định 56/2017/NĐ-CP làm rõ các trách nhiệm cụ thể về bảo vệ thông tin cá nhân, an toàn khi trao đổi dữ liệu trên mạng, cơ chế hỗ trợ – can thiệp trẻ bị xâm hại. Các chế tài xử phạt hành vi vi phạm cũng ngày càng rõ ràng: từ mức phạt hành chính đến hình sự (như quy định tại Điều 147 Bộ Luật Hình sự 2015 với mức án lên đến 12 năm tù nếu lôi kéo trẻ trình diễn khiêu dâm qua mạng).
Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng” (Quyết định số 830/QĐ-TTg). Đây là chương trình hành động mang tính chiến lược, phân công trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Thông tin và Truyền thông với vai trò chủ trì.
Theo tài liệu tuyên truyền của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tây Ninh, có 5 nhóm nguy cơ chính đối với trẻ em trên môi trường mạng, gồm:
1. Tiếp cận thông tin không phù hợp với độ tuổi
Trẻ dễ vô tình bắt gặp hình ảnh khiêu dâm, video bạo lực hay các quảng cáo không lành mạnh, đặc biệt trên các nền tảng mạng xã hội. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tư duy, nhận thức và hành vi.
2. Lộ lọt thông tin cá nhân
Trẻ em bị dụ dỗ cung cấp dữ liệu cá nhân, hoặc phụ huynh đăng tải hình ảnh con cái quá mức trên mạng xã hội mà không kiểm soát quyền riêng tư, gây nguy cơ bị kẻ xấu lợi dụng để tống tiền, lạm dụng, bắt cóc.
3. Nghiện internet, game, mạng xã hội
Thống kê của WHO cho thấy khoảng 10–15% trẻ em từ 10–15 tuổi bị nghiện game. Nhiều trẻ bỏ ăn, bỏ ngủ, thờ ơ với học tập, gia đình và bị lệch chuẩn hành vi.
4. Bị bắt nạt trên mạng (cyberbullying)
Từ những lời mắng chửi, dọa nạt đến lan truyền hình ảnh, video xấu, việc bị bắt nạt trên mạng khiến nhiều trẻ em trầm cảm, tự ti, có em thậm chí tự tử.
5. Gạ gẫm, xâm hại tình dục qua mạng
Các đối tượng xấu thường tiếp cận qua tin nhắn, bình luận, kết bạn giả danh hoặc qua các app hẹn hò để dụ dỗ trẻ gửi ảnh nhạy cảm, thậm chí lôi kéo gặp mặt để xâm hại.
Để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, cần có sự đồng hành chặt chẽ và chủ động từ gia đình, nhà trường và doanh nghiệp:
Cha mẹ
Hướng dẫn trẻ cách sử dụng internet an toàn, biết từ chối và báo cáo những nội dung xấu.
Thiết lập thời gian sử dụng mạng, kiểm tra phần mềm, thiết bị và cài đặt chế độ kiểm soát.
Tôn trọng quyền riêng tư nhưng luôn giữ vai trò người bạn đồng hành để con có thể chia sẻ.
Nhà trường
Tổ chức chương trình giáo dục kỹ năng số, nhận diện thông tin sai lệch, giáo dục giới tính, kỹ năng phòng tránh xâm hại.
Phối hợp với phụ huynh trong việc quản lý hành vi học sinh trên mạng.
Doanh nghiệp công nghệ
Phát triển các ứng dụng, trò chơi phù hợp với độ tuổi.
Tích hợp công cụ kiểm soát thời gian, lọc nội dung, kiểm duyệt quảng cáo độc hại.
Cung cấp công cụ cảnh báo sớm các hành vi bất thường.
Mạng lưới bảo vệ và ứng cứu trẻ em trên môi trường mạng
Hiện nay, Việt Nam đã thành lập Mạng lưới ứng cứu và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, do Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) điều phối và Trung tâm VNCERT là cơ quan thường trực. Mạng lưới có nhiệm vụ:
Tiếp nhận và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em qua mạng.
Tư vấn chính sách, phổ biến Bộ Quy tắc ứng xử trên không gian mạng.
Kết nối mạng lưới quốc tế, nâng cao năng lực phòng vệ.
Bên cạnh đó, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 hoạt động 24/7 với vai trò tiếp nhận, hỗ trợ và can thiệp kịp thời các vụ việc xâm hại, bạo lực, bóc lột trẻ em.
Mọi hành vi xâm hại trẻ em qua mạng cần được lên án, xử lý nghiêm minh. Mỗi người lớn – mỗi người dân – cần trở thành một “tường lửa sống” để bảo vệ trẻ em trước mọi hiểm họa từ môi trường mạng./.
TL