Ngày 24/7/2025, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành Kế hoạch số 315/KH-UBND về việc nâng cao Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công (PAPI) của tỉnh năm 2025, với mục tiêu nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và mỗi cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện các nội dung Chỉ số PAPI; phấn đấu năm 2025 kết quả Chỉ số PAPI của tỉnh nằm trong nhóm có điểm trung bình cao.
Tây Ninh quyết liệt nâng cao Chỉ số PAPI
UBND tỉnh Tây Ninh xác định, việc duy trì và nâng cao Chỉ số PAPI phải trở thành nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Kế hoạch nâng cao Chỉ số PAPI năm 2025 của tỉnh Tây Ninh tập trung vào 8 nhóm nội dung trọng tâm, với các giải pháp cụ thể, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm.
1. Tham gia của người dân ở cấp cơ sở: Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thực hiện dân chủ cơ sở; đảm bảo công khai, minh bạch các khoản đóng góp của người dân cho các công trình công cộng; đẩy mạnh việc lấy ý kiến nhân dân trong các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Chính quyền cơ sở phải lắng nghe, tiếp thu, giải trình đầy đủ và kịp thời các ý kiến phản ánh.
2. Công khai, minh bạch: Thực hiện niêm yết đầy đủ, chi tiết các thông tin về ngân sách, chính sách an sinh xã hội, quy hoạch sử dụng đất tại trụ sở UBND cấp xã và trên các nền tảng số. UBND tỉnh yêu cầu đảm bảo người dân có thể dễ dàng tiếp cận, giám sát các thông tin liên quan đến quyền lợi của mình.
3. Trách nhiệm giải trình với người dân: Cán bộ, công chức các cấp phải tăng cường đối thoại, tiếp xúc trực tiếp với người dân để kịp thời giải quyết những vướng mắc, khiếu nại. Việc tiếp công dân định kỳ phải được thực hiện nghiêm túc. Đặc biệt, lãnh đạo cấp xã chịu trách nhiệm nếu để tồn tại tình trạng “né tránh”, “đùn đẩy” trong giải quyết các vấn đề bức xúc của người dân.
4. Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công: Tây Ninh yêu cầu các sở, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống tham nhũng vặt, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính, lĩnh vực đất đai, giáo dục, y tế. Công tác thanh tra, kiểm tra sẽ được siết chặt, công khai minh bạch kết quả để người dân giám sát.
5. Thủ tục hành chính công: Tiếp tục thực hiện cơ chế “một cửa, một cửa liên thông” hiệu quả; rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính; tăng cường giải quyết hồ sơ trực tuyến, giảm thiểu chi phí, thời gian cho người dân và doanh nghiệp. Việc giải quyết trễ hẹn hồ sơ phải công khai xin lỗi tổ chức, cá nhân.
6. Cung ứng dịch vụ công: Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục công lập; đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ, chuẩn hóa; tăng cường chính sách an sinh xã hội; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế. Các vấn đề tiêu cực trong giáo dục, y tế sẽ bị xử lý nghiêm.
7. Quản trị môi trường: Tây Ninh sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường; phát động phong trào tự quản, dọn vệ sinh môi trường; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước.
8. Quản trị điện tử: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước; nâng cao chất lượng, nội dung trên Cổng thông tin điện tử tỉnh và các cơ quan nhà nước; hướng dẫn người dân tiếp cận và sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
UBND tỉnh Tây Ninh yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp về kết quả nâng cao Chỉ số PAPI tại lĩnh vực, địa bàn phụ trách. Xử lý nghiêm nếu để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực thi công vụ. Đồng thời, đề nghị các cơ quan truyền thông cần đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, nội dung gần gũi với người dân để các chính sách thực sự đi vào cuộc sống. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường giám sát, phản biện xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đảm bảo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”…/
TH